Thông thường, nhiều người sẽ dùng vốn vay ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tỷ lệ vay quá lớn, khoảng 50 – 70% giá trị căn hộ, khiến họ gặp một số khó khăn, áp lực về việc trả nợ gốc lẫn lãi. Từ đó dẫn đến việc phải bán nhà. Vậy vay ngân hàng bao nhiêu là hợp lý để đảm bảo an toàn?
1. Vay bao nhiêu là hợp lý?
Hiện nay, hầu hết những người mua nhà lần đầu đều vay ngân hàng. Các nhà đầu tư cũng sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản (BĐS). Do đó, khi rơi vào tình cảnh dịch Covid-19, nhiều người gặp rắc rối, khó khăn khi không thể xoay sở kịp tài chính để thanh toán theo đợt của dự án. Một số trường hợp khác thì lại cân nhắc xem vay bao nhiêu là hợp lý vào thời điểm này.

Trước động thái hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong mùa dịch Covid-19, nhiều người cho rằng, đây là thời điểm mà người mua nhà ở thực có thể mua nhà với lãi vay thấp, dễ dàng tiếp cận với những dự án tốt, dẫn đến việc sở hữu nhà cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vay với tỷ lệ bao nhiêu để đảm bảo an toàn và không bị áp lực tài chính đè nặng?
Do đó, các chuyên gia đã khuyến nghị, trong thời điểm nền kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư nên hạn chế vay vốn ngân hàng, nếu vay chỉ nên vay khoảng 30% tổng giá trị BĐS. Đối với người mua nhà ở thực cũng chỉ nên vay từ 30 – 40% giá trị căn hộ. Bởi việc trả lãi vay cho ngân hàng ở thời điểm khó khăn như hiện tại là một áp lực lớn với người vay.

Ngoài ra, môi giới BĐS khi tư vấn cho khách hàng cũng cần hiểu được vấn đề tài chính của khách và nên khuyên họ vay từ 30 – 40%, không nên vay quá nhiều.
2. Cách tính toán tài chính giúp người mua nhà không bị “ngợp”
Thực tế cho thấy, hiện nay, tỷ lệ người vay ngân hàng mua nhà khá cao, nhưng do thất nghiệp vì dịch Covid-19 nên họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc trả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
Nếu như trước đây, giá nhà đất còn mềm, cặp vợ chồng trẻ chỉ cần khoảng 20 – 25 triệu/tháng là có thể mua nhà trả góp. Tuy nhiên, hiện nay giá BĐS đã lên cao, theo các chuyên gia trong ngành, đối với các cặp vợ chồng trẻ, nếu có tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 30 – 40 triệu đồng thì hãy nghĩ đến việc mua nhà trả góp. Với thu nhập này thì bạn có thể dành ra 50% hoặc thấp hơn để trả ngân hàng để không bị “ngợp” nếu có sự cố xảy ra.

Nhà đất là một tài sản có giá trị lớn, mà khoản vay để mua nhà thì lại không nhỏ. Do đó, để khoản vay được hiệu quả và không gây khó khăn cho mình, người mua nhà nên cân nhắc kỹ về khả năng tài chính trước khi quyết định vay. Cụ thể:
- Phải tính cặn kẽ thu nhập thường xuyên
- Chi phí sinh hoạt của cả gia đình trước khi xác định khoản vay
- Các chi phí có thể phát sinh
- Lên kế hoạch chi tiêu cho 6 tháng tiếp theo
Nhờ đó, khách hàng sẽ kiểm soát được khả năng chi trả cho khoản vay ngân hàng.
Ngoài ra, người mua nhà nên cân nhắc và lựa chọn tỷ lệ vay ở mức thấp nhất. Đây là một việc khá quan trọng để người vay không bị “ngợp” khi đến hạn thanh toán. Nếu số tiền phải trả cộng với khoản chi tiêu tối thiểu của gia đình vượt thu nhập thì người mua nên cân nhắc lại giá trị căn nhà, có thể mua nhà có giá trị thấp hơn để đảm bảo khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, người mua nhà cũng nên xem xét mức lãi vay ưu đãi của nhiều ngân hàng khác nhau. Lãi suất ưu đãi của các ngân hàng thương mại đang dao động khoảng 8 – 12%/năm. Một số ngân hàng có chương trình lãi suất cố định trong 3 năm đầu tiên, nhưng mức lãi suất này sẽ không dưới 8%/năm.
Do đó, tùy vào nhu cầu và điều kiện kinh tế, người mua nhà có thể lựa chọn gói vay phù hợp. Và cần phải đọc kỹ những điều khoản trên hợp đồng như kỳ hạn, lãi suất, ưu đãi, hạn mức,… làm rõ các điều khoản chưa rõ ràng để tránh bất cập không mong muốn.
Ngoài những lời khuyên về cách tính toán tài chính giúp người mua không bị “ngợp” như trên, bạn cũng nên lên sẵn một kế hoạch trong 12 tháng chỉ có chi mà không có thu, tăng cường dự trữ tiền mặt sẽ giúp bạn lường trước mọi khó khăn có thể xảy ra.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản