Không chỉ riêng những nhà đầu tư BĐS mới rơi vào cảnh điêu đứng khi kịch bản đầu tư không diễn ra như dự kiến mà ngay cả môi giới BĐS – những người vừa bán sản phẩm vừa đầu tư cũng rơi vào cảnh mất tiền, chôn vốn.
Là những người trực tiếp bán sản phẩm, môi giới BĐS có lợi thế trong việc nắm rõ thị trường và sản phẩm hơn các nhà đầu tư tay ngang. Họ sẽ tham gia đầu tư vào thị trường nếu nhận thấy có nhiều cơ hội. Dường như đó là một lợi thế lớn nhưng chính họ cũng đang lao đao trong các phi vụ đầu tư này.

Cuối tháng 3 năm 2020, thị trường BĐS Hòa Lạc – Hà Nội nổi sóng. Nguyên nhân là bởi vì trước đó có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất đầu tư 2 khu đô thị lớn trên địa bàn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ngay lập tức, giá đất tại đây tăng chóng mặt và thay đổi theo từng giờ. Đất ở khu Quan Giai, thôn Đồng Táng, Đồng Trúc tăng từ mức 3 – 4 triệu đồng/m2 lên mức 9 – 10 triệu đồng/m2 ở trong ngõ sâu; từ mức 4 – 5 triệu đồng/m2 lên mức 12 – 16 triệu đồng/m2 ở mặt ngõ to. Còn những lô đất có thể kinh doanh được tăng từ 7 triệu đồng/m2 lên đến 19 – 20 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng 1 ngày.
Anh Chinh – một môi giới đã gắn với thị trường Hòa Lạc từ hơn 1 năm trước cũng tham gia vào trận sóng này với vai trò là nhà môi giới lẫn nhà đầu tư. Khoảng 1 năm trước đó, anh Chinh từng thắng lớn khi lướt đất tại Đông Anh, Hoài Đức – thời điểm các khu vực này có thông tin lên quận. Vì vậy, anh rất tự tin khi đầu tư ở khu vực Đồng Trúc (Hòa Lạc). Thế nhưng, điều anh Chinh không thể ngờ là cơn sốt đất Đồng Trúc chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần rồi biến mất, trong khi những cơn sốt đất khác anh từng trải qua kéo dài đến vài tuần. Do đó, những lô đất anh mua ở Hòa Lạc chưa kịp chuyển nhượng thì đã tắt sóng. Và tính đến thời điểm hiện tại, anh vẫn bị chôn tiền ở đó chưa rút ra được.

Cũng như trường hợp của anh Chinh, năm 2019, Phạm Hữu Hảo – một môi giới tại Đà Nẵng cùng 2 đồng nghiệp góp tiền mua 2 nền đất tại dự án ở Quy Nhơn, Bình Định. Dự án này do chính công ty anh Hảo phân phối nên anh Hảo cũng là người bán trực tiếp. Khi mới ra hàng giai đoạn 1, dự án “hot” đến mức “cháy” bảng hàng trong hơn tuần mở bán. Anh Hảo và 2 người bạn chọn được 2 nền đẹp trong bảng hàng đó và được nhiều nhà đầu tư khác trả chênh lên đến 50 – 70 triệu đồng/lô. Nhưng 3 người nhất định không bán mà tính đợi đến giai đoạn 2 khi giá tăng mới bán.
Đến giai đoạn 2, giá có tăng nhưng lại ra hàng đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát nên sức tiêu thụ rất kém và bị giảm rõ rệt. Hàng cũ ế ẩm, hàng mới càng không bán được. Suốt từ đầu năm đến nay, dù rao bán với mức giá mua vào nhưng anh Hảo và bạn vẫn chưa thoát được hàng. Và đang muốn đợi thị trường ấm lên rồi tính tiếp.

Tương tự, năm 2018, chị Thu từ Nha Trang quay lại Hà Nội sau một thời gian dài bán BĐS nghỉ dưỡng. Về Hà Nội, chị đầu quân cho một sàn BĐS chuyên bán chung cư. Năm đó, một dự án căn hộ mới chào hàng và với nhiều kinh nghiệm trong nghề sẵn có, chị quyết định đặt cọc 2 căn hộ nhỏ vì chị cho rằng, những căn hộ này sẽ thanh khoản nhanh và dễ dàng bán chênh được.
Tuy nhiên, thị trường BĐS tại thời điểm đó so với thời điểm chị mới bước vào nghề có rất nhiều điểm khác nhau. Đến khi phải thanh toán tiền giai đoạn I, chị bắt đầu lo lắng và nhận ra mình đã đi sai nước cờ. Bởi vì cùng thời điểm dự án đó ra hàng, có rất nhiều dự án xung quanh và cùng khu vực có những đặc điểm tương đương về vị trí và chất lượng không quá khác biệt, thậm chí còn có dự án rẻ hơn dự án chị đang bán và đầu tư. Vì vậy, 2 căn hộ của chị Thu không những không bán chênh giá được mà phải chật vật mãi mới tìm được người mua.
Nhà đầu tư Phạm Thành Thắng – người có kinh nghiệm hơn chục năm trong đầu tư cho biết, không khó để nhận ra các môi giới trong những câu chuyện trên chỉ đang xác định đánh sóng ngắn thị trường. Nhưng kịch bản thị trường lại diễn ra không như những gì họ mong muốn nên thất bại là điều không thể tránh khỏi. Dù thị trường có diễn biến như thế nào thì điều quan trọng nhất để đầu tư bền vững là phải có tiềm lực tài chính mạnh, kể cả là đối với môi giới hay nhà đầu tư.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản