Hiện nay, làm môi giới nhà đất được nhiều bạn trẻ xem như là một nghề “hái ra tiền” nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh sự giàu có, hào nhoáng, những người làm nghề này phải chịu trải qua những vất vả mà không phải ai cũng chịu đựng được.
Dưới đây là 3 khó khăn mà bất cứ người mới vào nghề hay người lâu năm trong lĩnh vực bất động sản đều phải trải qua.
Xem ngay: Tìm hiểu về bất động sản: 2 hình thức kinh doanh BĐS cần ít vốn
1. Bạn hiểu bao nhiêu về nghề làm môi giới nhà đất
1.1 Môi giới bất động sản thực chất là gì?
Môi giới bất động sản hay môi giới nhà đất thực chất là hoạt động trung gian giữa 2 hoạt động mua và bán bất động sản trên thị trường. Trong đó, người môi giới được hưởng một khoản tiền theo tỷ lệ nhất định nếu giao dịch thành công.

Nhân viên môi giới bất động sản khác với nhân viên bán hàng ở chỗ:
- Nhân viên bán hàng tìm kiếm khách hàng và trực tiếp bán sản phẩm
- Còn nhân viên môi giới sẽ kết nối khách hàng với người muốn bán bất động sản.
1.2 Làm môi giới nhà đất có thực sự giàu?
Không thể phủ nhận rằng, đây là một nghề rất hấp dẫn hiện nay. Bằng chứng là có nhiều bạn trẻ mới ra trường xin vào làm ở các công ty bất động sản. Đây cũng là nghề hiếm hoi không yêu cầu quá nhiều bằng cấp hay kinh nghiệm. Chính vì vậy cũng có không ít trường hợp các bạn sinh viên vừa học vừa làm.

Không như nhiều nghề khác, lương cứng của một nhân viên môi giới nhà đất rất ít. Chủ yếu họ sống nhờ hoa hồng. Tỉ lệ hoa hồng cũng khác nhau tùy vào từng công ty nhưng thường giao động trong khoảng 2-5%. Ví dụ: nếu bán được 1 căn chung cư 500 triệu thì bạn sẽ nhận được tiền hoa hồng từ 10 – 25 triệu.
Mức thu nhập hấp dẫn đồng nghĩa với việc khó khăn bạn phải đối mặt cũng cực kỳ nhiều. Có không ít bạn trẻ đã từ bỏ chỉ sau 1-2 tuần làm việc. Chỉ khi có “tinh thần thép”, bạn mới có thể tiếp tục trụ vững trong công việc khắc nghiệt này.
2. 3 khó khăn của nghề môi giới BĐS mà chỉ dân trong nghề mới hiểu
2.1. Công việc căng thẳng, áp lực
Rất nhiều người nghĩ “Công việc nào mà chẳng căng thẳng, áp lực. Tôi có thể chịu được áp lực trong nghề môi giới bất động sản.” Thực tế, chỉ trong khoảng 1 tháng, cũng có khi là 1 tuần thôi, nhiều người trẻ đã “bỏ của chạy lấy người”.
Bạn sẽ liên tục phải gọi điện trong ngày, có khi lên tới 100 – 200 cuộc/ ngày. Đồng thời, do đặc thù công việc, người môi giới không có ngày cuối tuần hay ngày nghỉ. Bởi ngày mà mọi người nghỉ ngơi, bạn sẽ phải làm việc vất vả nhất bởi các cuộc hẹn tư vấn, xem nhà, đặt cọc với khách hàng.

Không những thế, thời gian làm việc của bạn sẽ không giới hạn trong 8 tiếng hành chính. Bất cứ lúc nào, sáng, trưa, hay tối; bất cứ ở đâu, công ty hay là nhà; chỉ cần có điện thoại khách hàng là bạn phải “sẵn sàng”.
Cũng không thiếu trường hợp người môi giới phải bán các dự án, khảo sát thực tế dự án xa nhà, bán dự án nước ngoài,… Lúc này, người môi giới phải thực sự bản lĩnh, ý chí mới có thể hoàn thành công việc suôn sẻ.
2.2. Tìm kiếm khách hàng mới, khách hàng mục tiêu khó khăn
Theo chia sẻ từ nhiều người làm môi giới nhà đất lâu năm, họ có đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng mới. Họ cũng nhận định rằng thị trường bất động sản luôn luôn biến động, nếu dừng tìm kiếm nguồn khách hàng, bạn sẽ “chết”.

Những người này cũng gợi ý một số công cụ cần thiết để tìm kiếm khách hàng tiềm năng là:
- Quảng cáo, truyền thông để mở rộng tệp khách hàng
- Dựa vào các mối quan hệ để móc nối sang các tệp khách mới
- Sử dụng các sàn thương mại điện tử bất động sản để tiếp cận nguồn khách mới
Tuy nhiên không phải lúc nào việc sử dụng các công cụ này cũng mang lại hiệu quả. Sẽ có khoảng thời gian họ hoàn toàn không ký kết được hợp đồng với bất cứ khách hàng nào.
Chưa kể những thứ kể trên là điều mà những nhân viên môi giới trẻ không có: không có vốn đầu tư quảng cáo, không có nhiều mối quan hệ vì chưa tiếp xúc xã hội,… Vì vậy có thể nói tìm kiếm khách hàng luôn khiến bất cứ người môi giới nào, kể cả những người lâu năm trong nghề phải đau đầu.
2.3. Cạnh tranh trong nghề khốc liệt
Có thể nói, bất cứ hoạt động nào trong nghề môi giới bất động sản đều có sự cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ: tìm khách hàng, tư vấn khách, tìm nhà đầu tư, ký kết hợp đồng,… Các chiêu trò bẩn: lừa cọc, kéo khách, quỵt hoa hồng,… cũng không phải hiếm gặp trong nghề.
Trên đây chỉ là 3 trong số vô vàn khó khăn mà những người làm môi giới bất động sản gặp phải. Tuy nhiên gặp khó khăn mới giúp bạn trưởng thành nhanh hơn. Thành công sẽ đến với người biết chấp nhận khó khăn và bước qua nó.