Quý IV hàng năm luôn được coi là “vụ mùa” của thị trường bất động sản (BĐS) với số lượng giao dịch tăng mạnh nhất trong năm. Tuy nhiên, với năm 2020, trong bối cảnh thị trường BĐS đều “thu mình lại” do đại dịch Covid-19 thì kịch bản nào sẽ xảy ra. Khi đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị những gì?
1. Không nên kỳ vọng “bắt đáy” thị trường
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Sự trầm lắng phủ khắp các phân khúc từ nhà đất, căn hộ chung cư, shophouse,… Do đó, nhiều nhà đầu tư xuất hiện tâm lý là chờ thị trường xuống đáy mới mua vào. Một số nhà đầu tư còn không biết khi nào mới là đáy để mua. Vì vậy, hầu hết các nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi đều nghe ngóng tình hình thị trường lẫn tình hình dịch bệnh.

Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group – ông Phạm Thanh Hưng cho biết, tại thời điểm này, không thể quy chụp thị trường BĐS như các thị trường tài chính khác. Bởi thuộc tính của BĐS rất khác biệt: từ loại hình BĐS đến mục đích đầu tư, mục đích sử dụng,… cũng rất khác nhau.
Ví dụ như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và tác động của Covid-19 khiến mặt bằng bán lẻ và BĐS du lịch gặp nhiều khó khăn, giá giảm sâu, nhưng dịch vụ hỗ trợ và BĐS công nghiệp lại tăng mạnh. Hay ngay như phân khúc nhà ở thì chung cư giá rẻ và bình dân giao dịch ít, chiết khấu cao và nhiều khuyến mại vẫn khó bán, còn biệt thự, nhà đất lại giao dịch mạnh.
Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm đầu tư, condotel gần như đang chững lại và nhường chỗ cho các sản phẩm BĐS du lịch mang tính trải nghiệm cao.
Về chiến thuật, thị trường BĐS trầm lắng cũng là lúc khách hàng hay nhà đầu tư mua BĐS có “quyền mặc cả”. Nhưng, thay vì chỉ so sánh thuần túy về giá, hãy so sánh và quan sát về chiết khấu, phương thức thanh toán, khả năng khai thác và sinh lời thực tế chứ không phải là dựa trên cam kết của chủ đầu tư. Điều này gây khó khăn cho phần lớn khách hàng, nhưng các nhà đầu tư muốn thành công thì phải biết những điều đó.

Còn với khách hàng mua nhà ở thực thì cơ hội để họ chọn được những sản phẩm ưng ý với chiết khấu, ưu đãi cao chính là tại thời điểm này.
2. Các kịch bản được đưa ra
Warren Buffett – nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại có câu nói nổi tiếng: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Và đây chính là điểm khác biệt lớn giữa nhà đầu tư theo trào lưu và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong đó, yếu tố dự báo xu hướng nền kinh tế thế giới và trong nước thời Covid-19 và hậu Covid-19 sẽ là phán đoán quan trọng nhất cho việc đưa ra quyết định.
Theo ông Hưng, hiện có 3 kịch bản được đưa ra để dự báo cho nền kinh tế và thị trường BĐS hậu Covid-19 là:
- Kịch bản hình chữ U: thị trường sẽ xuống đáy, chạy ngang một thời gian và sau đó phục hồi đi lên – đây cũng sẽ là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, nhưng cần khoảng 18 – 24 tháng để phục hồi
- Kịch bản hình chữ V: thị trường sẽ ngay lập tực phục hồi sau khủng hoảng
- Kịch bản hình chữ L: đây là trường hợp tệ nhất, theo đó, thị trường sẽ xuống đáy sâu và chưa xác định được thời điểm nào có thể phục hồi

3. Đâu là xu hướng của thị trường bất động sản quý IV/2020?
Ở thời điểm hiện tại, khách hàng đang quan tâm nhiều hơn đến không gian sống xanh, sạch, an toàn và đầy đủ tiện ích. Điều này khiến BĐS sinh thái phát huy được tối đa ưu thế của mình. Hơn nữa, đây cũng là dòng sản phẩm có chu kỳ phát triển ổn định, giá luôn gia tăng theo nhu cầu với sự phát triển của xã hội và ít bị ảnh hưởng bởi những tác động của thị trường.
Nhu cầu lớn là vậy nhưng số lượng các dự án đô thị sinh thái có quy mô tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các chuyên gia BĐS dự báo, BĐS sinh thái sẽ là xu hướng mới thu hút nhiều người mua để ở và hấp dẫn các nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh đầu tư tiềm năng, an toàn.
Những dự án đang chào bán với nhiều ưu đãi sẽ được đưa vào khai thác, vận hành trong vòng 12 – 18 tháng tới. Đây cũng là thời điểm thị trường kinh tế phục hồi. Khi đó, các nhà đầu tư có thể ung dung tận hưởng.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản