Ông Nguyễn Đức Hưởng – thạc sĩ, cựu chủ tịch của LienVietPostBank cho rằng: “Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sốt hơn bao giờ hết vào cuối năm 2021, không còn là thời kỳ trầm lắng như giai đoạn năm 2020”.
Theo ông Hưởng thì Covid-19 như là một cuộc cách mạng mới. Ở đây, cuộc cách mạng chính là thay cũ đổi mới. Bởi vì Covid-19 khiến cuốn hộ chiếu Việt Nam có giá hơn rất nhiều, cũng từ đó mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Đồng thời, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng giúp người Việt được hưởng lợi nhiều hơn. Ông Hưởng cho biết, nhiều người bạn của ông đang muốn đem tiền đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.

Ngoài ra, với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, vị chuyên gia này tin rằng GDP của Việt Nam tăng trưởng là điều hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn tăng cao, vượt trội hơn so với kế hoạch.
Theo đó, ông Hưởng cũng dự đoán: “Sau vàng và chứng khoán, đây chắc chắn là thời cơ sốt đất. Đầu tư lúc này chỉ có lãi”.
Bên cạnh đó, ông Hưởng cũng cho biết, khoảng 10 năm trước đây, nhiều người chỉ đầu tư bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,… Tuy nhiên, quan điểm đó giờ đã lỗi thời. Bởi những khu vực mà trước đây họ chê bai, giờ giá đất đã tăng gấp đôi. Do đó, với nhà đầu tư cá nhân, dù ít hay nhiều tiền thì nên đầu tư vào đất. Nhưng họ cần lưu ý đến hồ sơ pháp lý của mảnh đất và không nên dùng đòn bẩy về tài chính quá nhiều.

Ông Hưởng chia sẻ: “Nhiều năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi nghĩ rằng không nên dùng đòn bẩy tài chính, cũng không nói tỷ lệ là bao nhiêu với tỷ lệ được vay tối đa là 70%. Nhưng nếu bất động sản cho thuê thu được tiền vừa có thể trả được tiền lãi ngân hàng, vừa được dư ra một ít lãi thì tại sao lại không! Còn nếu muốn khuyên tỷ lệ là bao nhiêu là đủ thì khoảng 40% đổ lại là hợp lý nhất.
Còn với ngân hàng cho vay, thì 30% cũng không cho vay, thậm chí 70% cũng không cho vay nếu người đó có nguồn thu bù lại. Chúng ta phải lường trước được những rủi ro, biết sợ rủi ro nhưng nếu quản trị được rủi ro thì sẽ nhận được siêu lợi nhuận”.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do chúng ta thiếu cơ sở pháp lý hay yếu tố bất ngờ như Covid-19.

Về cơ chế, chúng ta cần học hỏi Úc và Singapore. Chúng ta có nhiều cơ chế dành cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam. Nhưng kèm theo đó là rất nhiều vướng mắc, bất cập về mặt pháp lý khiến họ không thể mua bất động sản một cách dễ dàng. “Chúng ta vừa muốn bán bia lại vừa muốn bán thêm cả lạc”. Nhưng ở thị trường Úc và Singapore thì lại khác, người nước ngoài có thể mua bất động sản một cách dễ dàng, chỉ cần họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu về thuế.
Còn về yếu tố bất ngờ như dịch Covid-19, các chuyên gia bất động sản dự đoán rằng bất động sản sẽ là loại hình hồi phục nhanh hơn so với các loại hình khác. Điều này đã được chứng minh khi đợt dịch vừa kết thúc hồi tháng 5 – sau khi kết thúc giãn cách thì thị trường bất động sản đã hồi phục nhanh chóng các giao dịch tại các dự án.
Nhưng cũng cần có những hỗ trợ cho ngành bất động sản nhiều hơn. Bởi ngành nghề bất động sản có sự ảnh hưởng lớn, có tính lan tỏa đến hơn 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, đặc biệt là xây dựng, lưu trú, tài chính ngân hàng.
Chúng ta nên có cái nhìn tích cực với thị trường kinh tế hiện nay, nhất là thị trường bất động sản. Bởi trong nguy có cơ, thị trường vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng với một số phân khúc như bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, hậu cần,…
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản