Giới chuyên gia BĐS cho rằng, nếu có một khoản tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư có thể xem xét đến việc gom đất trong thời điểm thị trường đang giảm giá. Nhưng đối với trường hợp phải sử dụng đến đòn bẩy tài chính thì cần phải xem xét lại.
1. Nên đầu tư hay trữ tiền mặt?
Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường BĐS Việt Nam hồi phục tích cực, nhu cầu và nguồn cung tăng mạnh trở lại. Nhưng đến đợt bùng phát dịch thứ 2, tình hình nhà đất mới được phục hồi lại rơi vào tình thế khó khăn hơn. Và khi dịch đang có những diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư trở nên lo lắng hơn và dè dặt xuống tiền. Nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý “tiền mặt là vua” khiến sức mua giảm mạnh.
Theo giới chuyên gia BĐS, tuy có nhiều khó khăn nhưng thị trường cũng đang xuất hiện nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư có tiền mặt nhàn rỗi. Thay vì bỏ không một khoản tiền lớn, đây sẽ là thời cơ vàng để tích trữ những sản phẩm BĐS tốt với mức giá hời.

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho rằng, với bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay thì “tiền mặt là vua”. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư không chịu được sức ép tài chính thì giữ tiền không phải là một phương án tốt.
Trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư đều chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 thì thị trường BĐS cũng không ngoại lệ. Thị trường đang dần xuất hiện những làn sóng rao bán với mức giá hời, các chủ đầu tư liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá, chính sách ưu đãi với nhiều dự án chất lượng. Và với những nhà đầu tư có ý định đầu tư BĐS thì càng về cuối năm, cơ hội mua BĐS với giá cả hợp lý sẽ cao hơn. Điều này còn chưa kể đến số lượng sản phẩm thứ cấp được tung ra có giá bán ngày càng cạnh tranh hơn.
Trên khía cạnh đầu tư, ông Phan Công Chánh – chuyên gia BĐS chia sẻ, hiện nay, hầu hết các kênh đầu tư đều gặp nhiều khủng hoảng bởi dịch Covid-19. Do đó, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn khi có lượng tiền mặt dự trữ lớn hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhạy bén và quan sát thật kỹ thị trường để chọn cho mình những sản phẩm tốt nhất, có tiềm năng sinh lời khi dịch bệnh đi qua.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính trong lúc này thì cần phải xem xét lại. Bởi với những nhà đầu tư nguồn vốn không có sẵn, đừng mạo hiểm khi thị trường đang có những sản phẩm nhà đất hấp dẫn. Hướng đi khôn ngoan nhất là đầu tư vừa tầm tài chính.
Cùng với quan điểm của ông Chánh, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn này, cần đầu tư vào những sản phẩm BĐS có tính an toàn, khả năng sinh lời tốt và tính thanh khoản cao. Không nên đầu tư theo hướng “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, cần biết tính toán và phân bổ trong đầu tư.
Đặc biệt, không nên sử dụng hết 100% nguồn tài chính để mua BĐS. Phải biết cách phân chia dòng tiền để không gặp phải rủi ro, khó khăn nào khi thị trường biến động. Ngoài ra, càng về cuối năm, cơ hội mua BĐS tốt với giá hợp lý càng cao hơn, nhà đầu tư nên tỉnh táo chọn lựa thời điểm tốt và xuống tiền.
2. Chọn sản phẩm nào để an toàn trong mùa dịch?

Theo các chuyên gia BĐS, dựa trên dự báo về tăng trưởng nền kinh tế chung và khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nền kinh tế đối tác, thị trường BĐS Việt Nam có thể sẽ diễn biến theo 2 kịch bản khác nhau:
- Theo kịch bản thứ nhất, nếu GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 4.4 – 5.2% thì giao dịch BĐS sẽ duy trì nguồn cầu và nguồn cung ổn định. Giá nhà đất sẽ không có chiều hướng giảm, nhu cầu mua đầu tư và để ở sẽ tích cực hơn.
- Còn theo kịch bản thứ hai, nếu GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 3.6 – 4.4% thì giao dịch BĐS chịu ảnh hưởng nhiều hơn, kế hoạch ra hàng hay sức mua sẽ giảm, giá nhà đất sẽ giảm khoảng 5%.
Theo 2 kịch bản trên, xu hướng đầu tư BĐS ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Do đó, các chuyên gia BĐS gợi ý các sản phẩm mà nhà đầu tư có thể cân nhắc. Cụ thể, nếu thị trường vẫn tiếp tục ổn định, loại hình đất nền, nhà riêng, căn hộ chung cư phục vụ nhu cầu ở thực giá rẻ dưới 1 tỷ đồng sẽ ít chịu ảnh hưởng. Đây chính là sản phẩm mà nhà đầu tư có thể cân nhắc, lựa chọn. Còn với những sản phẩm ở phân khúc cao hơn như nhà phố, BĐS nghỉ dưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhà đầu tư nên thận trọng khi xuống tiền.

Còn nếu tình hình kinh tế khó khăn vẫn kéo dài, nhà đầu tư sẽ gặp không ít khó khăn khi đầu tư các sản phẩm như nhà phố, biệt thự, chung cư cao cấp, đất nền dự án có giá trị lớn. Lúc này, nhà đầu tư chỉ nên chọn BĐS có giá bán trên dưới 1.5 tỷ đồng như các sản phẩm có quy hoạch bài bản, nhà riêng vừa túi tiền,… để hướng đến việc phát triển dài hạn.
Theo giới chuyên gia nhìn nhận, làn sóng đầu tư tại các thị trường tỉnh sẽ chiếm ưu thế do giá thành, quỹ đất và nguồn hàng đa dạng hơn. Đầu tư BĐS ngoại thành sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn cho nhà đầu tư trong thời buổi mọi sức mua đều hướng về nhu cầu thiết thực, dài hạn và việc đầu tư lướt sóng còn gặp nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là nhà đầu tư không nên kỳ vọng có thể sinh lời cao trong ngắn hạn mà phải chấp nhận kênh đầu tư ít lãi để đảm bảo an toàn.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản