Hình thức đầu tư trên thị trường đang ngày càng đa dạng để mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư Greenfield đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư – những người muốn mở rộng mô hình kinh doanh.
Vậy, thực chất đầu tư Greenfield là gì? Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào hình thức này ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây của Quản Lý Bất Động Sản.
1. Đầu tư Greenfield là gì?
Đầu tư Greenfield (Greenfield Investment – viết tắt là GI) có nghĩa là đầu tư mới/đầu tư xanh. Đây là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tức công ty mẹ lập ra công ty con ở một quốc gia khác và xây dựng hoạt động của mình từ con số 0.
Ngoài việc hình thành cơ sở kinh doanh mới, các dự án GI còn có thể bao gồm việc xây dựng nhà ở, các trung tâm phân phối mới hoặc văn phòng.

2. Đặc điểm của đầu tư Greenfield
Các dự án đầu tư Greenfield là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, mức độ kiểm soát cao nhất thuộc về công ty tài trợ.
Hình thức này nhằm mở rộng những trang thiết bị hiện có hoặc mua trang thiết bị mới. Đây cũng là mục đích chính của những quốc gia nhận đầu tư, bởi nó sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, tạo ra nhà máy sản xuất mới, chuyển giao bí quyết và công nghệ,…
Những danh mục nêu trên có tác động trực tiếp đến thương mại trên thị trường thế giới.

Một phương pháp đầu tư Greenfield khác là mua cổ phần kiểm soát trong một doanh nghiệp nước ngoài. Song, nếu đơn vị đi theo hướng mua lại, họ sẽ gặp phải với các khó khăn hoặc quy định cản trở quá trình mua lại này.
Ví dụ: Trong một dự án GI, việc hình thành một nhà máy của một đơn vị cần được thực hiện theo thông số kỹ thuật nhất định. Theo đó, cần có các quy định chế tạo được kiểm soát chặt chẽ và nhân viên phải được đào tạo theo tiêu chuẩn.
Hình thức này khác hoàn toàn với đầu tư gián tiếp, điển hình là việc mua chứng khoán nước ngoài. Các đơn vị mua có thể không có hoặc có ít sự kiểm soát trong quá trình vận hành, bán hàng, kiểm soát chất lượng và đào tạo nhân sự nếu họ chọn đầu tư gián tiếp.
Ở giữa đầu tư gián tiếp và đầu tư Greenfield là Brownfield Investment (BI). Với hình thức này, một đơn vị sẽ đi thuê đất đai và cơ sở vật chất hiện có và điều chỉnh chúng phù hợp với mong muốn của họ.
Tùy chỉnh và cải tạo theo hình thức BI sẽ có chi phí thấp và xoay vòng vốn nhanh hơn so việc xây dựng lại từ đầu.
Từ đây có thể thấy, BI liên quan đến việc sử dụng các cơ sở được xây dựng từ trước và cải tạo chúng cho phù hợp với nhu cầu. Còn đầu tư GI là việc sẽ hình thành một cơ sở mới trên khu đất trống.

3. Lợi ích – rủi ro khi đầu tư GI
3.1. Lợi ích
Các nước đang phát triển có xu hướng thu hút các doanh nghiệp tiềm năng bằng các đề nghị trợ cấp, giảm thuế, ưu đãi để thiết lập một khoản GI.
Tuy những “món hời” trên có thể dẫn đến doanh thu của công ty thấp hơn tại nước ngoài trong thời gian ngắn. Song, việc được tiếp thêm vốn nhân lực địa phương và lợi ích kinh tế có thể mang đến những lợi nhuận tích cực cho nước sở tại trong thời gian dài.

3.2. Rủi ro
Tương tự bất kỳ đơn vị khởi nghiệp nào, đầu tư Greenfield đòi hỏi chi phí sản xuất cao và rủi ro cũng cao. Nó trực tiếp liên quan đến việc xây mới nhà máy sản xuất, gây khó khăn trong vấn đề pháp lý và tiếp cận người lao động địa phương.
Ngoài ra, đầu tư Greenfield là một cam kết dài hạn, do đó, nó có rủi ro lớn nhất là mối quan hệ phức tạp với nước chủ nhà, đặc biệt là vấn đề chính trị. Khi xảy ra bất kỳ sự kiện hoặc trường hợp nào dẫn đến doanh nghiệp phải rút khỏi dự án, đều có thể gây tổn hại rất lớn đến tài chính của đơn vị.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã phần nào hiểu rõ đầu tư Greenfield là gì và ưu – nhược điểm của hình thức này. Nếu bạn thấy đây là những chia sẻ hữu ích, hãy tiếp tục đồng hành cùng Quản Lý Bất Động Sản để có thêm nhiều tư vấn đầu tư hiệu quả.
Phương Nguyễn