Hưng Thịnh có 2 dự án, tập đoàn Novaland có 11 dự án đã tạm đóng tiền sử dụng đất. Song đến nay, những chủ đầu tư này dù xin xác nhận cho số tiền sử dụng đất để hoàn tất nghĩa vụ tài chính giúp người dân được cấp sổ hồng nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Vậy số tiền sử dụng đất chính xác là bao nhiêu? Tại sao đến giờ vẫn chưa được phê duyệt?
1. Doanh nghiệp kêu “khổ” vì vấn đề đóng tiền sử dụng đất
Đó là vấn đề được đem ra bàn luận tại hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” diễn ra tại TP.HCM. Chia sẻ trong buổi hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc đóng tiền sử dụng đất đang là một vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc cho người dân lẫn doanh nghiệp trong thời gian qua, thậm chí có những dự án đã được xây dựng hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, còn có 11 doanh nghiệp với 44 dự án/ 20,000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 20,000 hộ dân bức xúc.

Đại diện tập đoàn Novaland còn cho hay, việc không thể cấp sổ hồng cho các hộ dân khiến họ bức xúc, khiếu nại, kiện tụng, gây ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn nói riêng và toàn thị trường BĐS nói chung. Đại diện của tập đoàn này cũng bày tỏ sự tiếp sức tháo gỡ của các Sở ngành và UBND TP.HCM liên quan đến một số dự án đang “tắc” tiền sử dụng đất hiện nay.
Cụ thể, đối với một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nhưng đã tạm nộp tự nguyện từ năm 2017, Novaland kiến nghị UBND TP sớm xem xét và phê duyệt giá tiền sử dụng đất đối với các dự án đã tạm nộp để cấp sổ hồng cho người dân.
Còn đối với các dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án và hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được xem xét cấp sổ hồng cho khách hàng, đại diện Novaland đề xuất cấp sổ hồng cho khách hàng.

Đồng thời, Novaland cũng đề nghị hỗ trợ kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở, các công trình dự án và thực hiện việc cấp sổ hồng cho người dân đối với những dự án đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hay xin giao đất từ tháng 12/2016 nhưng chưa được giải quyết.
2. “Tắc” vì đâu?
Theo ông Châu, hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, lợi ích và quyền hợp pháp của người mua nhà cũng như lợi ích và quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi khi có sổ hồng, doanh nghiệp mới có thể thu nốt 5% tổng giá trị của căn hộ khi đã bàn giao nhà ở. Nếu chậm ngày nào, doanh nghiệp sẽ khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn của doanh nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, việc người dân khiếu kiện, khiếu nại tại các dự án cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

Vậy việc tắc tiền sử dụng đất là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
Lý do đầu tiên là chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp sổ hồng 1 phần nhưng nay lại không được cấp tiếp vì có vướng mắc phải xác định lại tiền sử dụng đất. Ngoài ra, Sở Tài nguyên môi trường mới đề nghị xác định đất ở bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư khối đế, sân vườn, hồ bơi, lối đi bộ,… nhưng các quy định này lại không đúng với quy định hiện tại, nhất là đối với các chung cư lớn. Do đó, toàn bộ dự án đều bị vướng mắc trong vấn đề này.
Lý do thứ hai là khi chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, thậm chí có những dự án đã được thành phố xác nhận hệ số sử dụng đất không thay đổi nhưng gần cả năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. Hay có việc góp vốn đầu tư thì xác định là chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng dự án cũng khó khăn khiến dự án không được cấp sổ hồng.

Bên cạnh đó, hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên môi trường xin được cấp sổ hồng được giải quyết rất chậm, khiến nhiều hộ dân lẫn doanh nghiệp bức xúc.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM mới công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163,173 tỷ đồng, đạt 40.2% dự toán, giảm 14.4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiền sử dụng đất giảm 21%. Vẫn biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng khá lớn, thành phố cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giảm thuế, giãn thuế,… Nhưng đây là lần đầu tiên, trong khi chi ngân sách địa phương tăng cao mà tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước của thành phố bị sụt giảm mạnh.
Theo ông Châu, nếu vấn đề tắc tiền sử dụng đất được xử lý nhanh chóng sẽ giảm bức xúc cho người dân. Đồng thời tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế và sự phục hồi lan tỏa cho thị trường BĐS sau dịch.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản