Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, khi chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì để nhà đầu tư thứ cấp không bị bơ vơ, nhà nước cần có những chính sách, quy định bảo vệ nhà đầu tư thứ cấp. Đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel.
Vị chuyên gia này cho hay, bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là loại hình căn hộ condotel có tiềm năng cũng nhiều mà lo lắng cũng không ít.
Căn hộ condotel có nhiều tiềm năng lớn. Bởi du lịch Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài cùng nhiều bãi biển đẹp, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. So với trước đây khi không có nhiều cơ sở lưu trú hiện đại, chất lượng thì hiện nay, khi bất động sản nghỉ dưỡng phát triển cùng sự vào cuộc của những chủ đầu tư lớn đã tạo nên những cơ sở lưu trú đẳng cấp, hiện đại tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng.

Bên cạnh những tiềm năng lớn, condotel cũng tồn tại một số lo lắng cho nhà đầu tư. Trên thị trường thế giới, các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thường làm ăn rất bài bản, nguồn tiền họ đầu tư vào dự án rất minh bạch. Còn ở Việt Nam, nhiều chủ đầu tư phát triển dự án, rồi thuê các đơn vị quản lý nổi tiếng của thế giới vào quản lý. Sau đó, dự án được bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng thực tế, quyền lực thực sự lại nằm trong tay chủ đầu tư.
Do đó, ông Hiển đã đặt câu hỏi, nếu các chủ đầu tư này không làm ăn đường dài, mang dự án thế chấp ngân hàng, công ty quản lý phải rút lui, điều gì sẽ xảy ra với những nhà đầu tư thứ cấp. Đặc biệt là khi ở thời điểm hiện tại, họ không có quyền gì trong tay bởi pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp.

Ngoài ra, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng nhấn mạnh rằng, xu hướng phát triển loại hình căn hộ condotel là tất yếu. Khi du lịch phát triển mạnh, ai ai cũng muốn sở hữu căn hộ để nghỉ dưỡng với cam kết lợi nhuận là phương thức thúc đẩy loại hình này phát triển.
Thế nhưng, thị trường bất động sản đang có 1 thực trạng là condotel được cấp giấy phép xây dựng khá dễ dàng. Ví dụ một lô đất có diện tích 4,000m2 chỉ được xây dựng 200 căn hộ nhưng với condotel lại được xây dựng tới 600 căn hộ. Do đó, một số chủ đầu tư đã lợi dụng điều này để phát triển condotel rầm rộ, không cân đối được bài toán dòng tiền, dẫn đến việc không chi trả được lợi nhuận như cam kết.
Cũng theo ông Quang, thị trường condotel đang vắng bóng những doanh nghiệp du lịch với “data” khách hàng lớn. Sang năm 2021, hy vọng thị trường condotel sẽ tốt hơn nhưng điều này không có gì là chắc chắn cả.

Ngoài ra, ông Quang cũng lưu ý các nhà đầu tư rằng, chỉ nên mua condotel của những chủ đầu tư uy tín, có tiếng trên thị trường. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến đơn vị vận hành, số lượng dân cư, văn hóa địa phương,… bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Đừng nhìn vào bản vẽ hoành tráng, lợi nhuận khủng vì rất dễ mắc sai lầm.
Cùng quan điểm với ông Quang, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE – ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt chia sẻ, cách đây 3 – 4 năm, condotel là xu hướng ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều chủ đầu tư không thực hiện được những cam kết như đã đề ra trước đó vô hình đã tạo tâm lý e sợ cho các nhà đầu tư. Họ lo ngại về sự uy tín của chủ đầu tư, vận hành như thế nào, cam kết lợi nhuận ra sao,… Những vấn đề này đã khiến thị trường condotel bị trùng xuống.
Vì vậy, theo ông Kiệt, trong thời điểm này, nếu các nhà đầu tư chọn phân khúc condotel để đầu tư thì cần xem xét về năng lực của chủ đầu tư, tính khả thi, năng lực khai thác condotel, mức độ lấp đầy có hiệu quả hay không!?
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản