Theo các chuyên gia bất động sản, nếu có tiền nhàn rỗi, muốn có thêm tài sản khác như farmstay, homestay,… thì không vấn đề, để đó và 5 năm sau, nó sẽ tự khắc sinh lời. Nhưng nếu tính đến bài toán khai thác kinh doanh thì cần phải lên kế hoạch và tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi vì mô hình này có độ rủi ro khá cao.
Theo chia sẻ của ông Đinh Thế Hiển – chuyên gia tài chính cho hay, hiện nay đang có xu hướng đầu tư farmstay, homestay ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Vì ở các khu vực vùng ven TP.HCM, giá đất tăng rất cao. Khi tăng cao đến mức nào đó, cơ hội đầu tư không còn thì nhà đầu tư phải đi xa hơn.

Người mua tài sản này để làm nhà vườn, nghỉ dưỡng thư giãn cuối tuần, đồng thời chờ giá đất tăng trong tương lai thì được. Nhưng rất khó thành công với mô hình farmstay, homestay tại đây. Vì trong những năm gần đây, giá đất những khu vực này đang tăng rất mạnh và chủ yếu là đất nông nghiệp.
Theo ông Hiển, câu chuyện đầu tư nông trại nghỉ dưỡng không phải là mới. Trước đây khoảng 10 năm, có những người mua 5 – 10ha đất để làm nhà vườn. Nhưng họ lại nhận ra, mua đất rồi phải xây dựng nhà cửa, bảo trì khá tốn kém mà tiện ích xung quanh thì không có. Do đó, câu chuyện này lại đang được tái hiện một lần nữa nhưng với diện tích nhỏ hơn, khoảng 1,000 – 2,000m2, nhưng cũng rất khó để thành công.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu nhà đầu tư là cá nhân thì chỉ nên mua đất nông nghiệp để đầu tư farmstay, homestay khi nó có đủ điều kiện lên đất thổ cư, nằm trong khu vực có dân sinh sống và có khả năng diễn ra đô thị hóa. Đặc biệt nếu muốn ôm hàng thì phải chấp nhận chờ 5 – 10 năm mới có thể thu lãi.

Ông Trần Khánh Quang – một chuyên gia bất động sản, người đồng quan điểm với ông Hiển cũng cho rằng, nhà đầu tư farmstay, homestay thường được chia thành 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất là những người thực sự muốn bỏ phố về vườn. Họ yêu thích nông nghiệp, muốn làm nông và muốn sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên hơn. Nhóm đầu tư này sẽ không tiêu quá nhiều chi phí vào việc xây dựng nông trại nghỉ dưỡng mà họ tận dụng cơ hội kiếm tiền từ nghề nông. Nếu làm nông thất bại thì họ còn cơ hội là đất sẽ tăng giá sau khoảng 5 – 10 năm.
Nhóm thứ hai sẽ là những nhà đầu tư nông trại nghỉ dưỡng với mong muốn có một chốn đi đi về về. Thỉnh thoảng, cuối tuần, họ sẽ về nhà vườn nghỉ ngơi, thư giãn. Họ khác với nhóm thứ nhất ở chỗ là họ mua theo cảm xúc, và sẽ chi một số tiền không nhỏ để có thể sở hữu tài sản này.

Thực tế, theo ông Quang, quản lý nông trại nghỉ dưỡng khó hơn tưởng tượng, không chỉ đơn giản là bỏ ra một vài tỷ đồng mua đất là xong. Họ phải chi thêm một khoản chi phí để xây nhà, trồng cây, thiết kế các tiện ích đi kèm, bảo dưỡng,… Sau một vài năm không đặt chân đến, tài sản cũng không tăng giá, không duy trì bảo dưỡng, họ sẽ cho tài sản này vào diện thanh lý. Bởi chính ông Quang cũng đã từng sở hữu một tài sản như vậy và phải bán hòa vốn sau vài năm sở hữu.
Do đó, ông Quang đã đưa ra một số lưu ý cho nhà đầu tư khi mua nông trại nghỉ dưỡng. Đối với nhà đầu tư nhóm thứ hai thì chỉ nên mua nhà vườn nghỉ dưỡng hay nông trại tại nơi có mật độ dân số tương đối, hệ thống đường sá tốt, có điện nước và có một số tiện ích nhất định. Tránh mua đất có đường trước mặt, vì những khu vực này thường có đường tự làm, dễ dẫn đến những rắc rối, bất cập về sau.
Ngoài ra, đất nông nghiệp phải có đủ điều kiện chuyển đổi lên đất thổ cư. Nếu không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tuyệt đối không nên mua vì rủi ro rất lớn.
Bên cạnh đó, xem xét mình có thực sự cần tài sản này hay không? Có khai thác, đầu tư được không? Nếu mua mà không dùng đến là một sự lãng phí. Nếu tính bài toán kinh doanh tại đây, farmstay, homestay không phải là lựa chọn thích hợp.
Nhà đầu tư cũng cần xem xét thêm sự phát triển, tầm quan trọng của khu vực đó. Có tiềm năng về nghỉ dưỡng không, có phát triển thành đô thị không,… trước khi quyết định xuống tiền.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản