Khi làn sóng Covid-19 thứ hai được kiểm soát cũng là lúc các doanh nghiệp địa ốc phải rà soát lại cách triển khai những kế hoạch và dự án bài bản hơn. Hơn nữa, đại dịch cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư nhìn nhận thực tế về hiện tượng tăng giá của thị trường và đầu tư bất động sản (BĐS) trong các điều kiện bất khả kháng.
1. 3 yếu tố trọng tâm của doanh nghiệp địa ốc
Theo báo cáo thị trường BĐS nửa đầu năm 2020 của Savills cho thấy, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng rõ rệt tại một số phân khúc khi định hình lại thị trường, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các bên hay tạo ra các xu hướng mới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc cần lưu ý đến những điểm sau để có thể vượt qua những thách thức, khó khăn trong và sau Covid-19:

Thứ nhất, doanh nghiệp địa ốc cần phải đặt vấn đề về pháp lý lên hàng đầu. Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19 và có thể phát triển bền vững. Hơn nữa, pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm. Nếu không thể thanh khoản ngay được tại thị trường thì doanh nghiệp vẫn tìm được các phương án phù hợp để tạo ra tính thanh khoản, đồng thời hỗ trợ cho quá trình đầu tư.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tính đến chiến lược ngắn – trung – dài hạn. Cần phải quan tâm đến những dòng sản phẩm phù hợp và không phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp cần rà soát lại các phân khúc ở từng địa bàn, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp có thể khai thác.
Ví dụ nổi bật nhất hiện nay là các chủ đầu tư thường hướng đến việc đầu tư vào BĐS đô thị có nền tảng pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành. Đây sẽ là dòng sản phẩm thu hút nhiều khách hàng tại địa phương, sau đó là khách từ các địa phương lân cận. Ngoài ra sẽ mở rộng và gia tăng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn.
Thứ ba, yếu tố hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án rất cần được coi trọng như phát triển thêm nhiều tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn, chất lượng hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được khai thác, thử nghiệm như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý vận hành BĐS, hỗ trợ bán sản phẩm,…
Các chủ đầu tư lớn, có điều kiện và chi phí đầu tư nhiều, có thể làm ra các sản phẩm bài bản, chất lượng tốt sẽ tạo được sự khác biệt lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, với các chủ đầu tư có năng lực và phát triển quy mô vừa phải hơn thì nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể.
2. Nhìn nhận đúng về giá và chiến lược sản phẩm
Khi các yêu cầu của nhà đầu tư và thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, thay vì chỉ dựa vào các yếu tố bên ngoài như các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông lớn thì chủ đầu tư cần tính toán tạo ra các sản phẩm gần với giá trị mở bán để có thể bán được với giá cao.
Trên thực tế, nếu đầu tư thực chất vào các yếu tố đảm bảo tiện ích đa dạng, chất lượng sản phẩm tốt,… sẽ dẫn đến hiện tượng mặt bằng giá tăng lên. Nhóm các sản phẩm trước đây không bán được vì không đáp ứng được kỳ vọng của người mua thì sẽ dẫn đến mặt bằng chung các sản phẩm mới ra có xu hướng giá cao hơn, làm tăng giá cho thị trường sơ cấp.

Còn đối với thị trường thứ cấp, khi các dòng sản phẩm đã đi vào sử dụng một thời gian (thường là trên 5 năm) thì mức giá sẽ không thể tốt như thị trường sơ cấp. Những sản phẩm mới ra thị trường sẽ có thể giữ giá hoặc tăng giá tốt hơn nhưng chỉ tăng ở phân khúc các sản phẩm tốt, chủ đầu tư tốt.
Ngoài ra, trong đầu tư BĐS, nếu đầu tư ngắn hạn thì nhà đầu tư cần cân nhắc tập trung vào các dòng sản phẩm ở khu vực có nhu cầu cao, nguồn cung sản phẩm hạn chế, tính thanh khoản tốt. Song vẫn có một thực tế là muốn đầu tư BĐS, cần phải có một tầm nhìn dài hạn.
Lank Chu – Ban biên tập Quản lý Bất động sản